0
T4, Th10 1604Chiều

CHĂM SÓC DA CHUYÊN SÂU (PHẦN 7) – CHĂM SÓC DA Ở TẦNG TRUNG BÌ; ĐỘ PH CỦA DA , DA THỪA DẦU, DA THIẾU DẦU VÀ CÂN BẰNG DA

Tìm Hiểu Về Trung Bì:

Trung bì nằm dưới lớp biểu bì, có độ dày thay đổi từ 0,6 mm trên mí mắt đến 3 mm trên lưng, lòng bàn tay và lòng bàn chân.

Cấu tạo lớp trung bì

Ngoài nhiệm vụ nâng đỡ biểu bì, trung bì còn là nơi quyết định của nhiều yếu tố quan trọng khác của làn da như: cung cấp tính đàn hồi, bảo vệ cơ thể khỏi các chấn thương cơ học, điều tiết nhiệt độ cơ thể và chứa các thụ thể kích thích cảm giác. Trung bì cũng là nơi chứa các mạch máu, nang lông, tuyến bã nhờn, tuyến mồ hôi, sợi collagen, elastin, cơ chất (axít hyaluronic), các nguyên bào sợi, đại thực bào và các tế bào mast.

Trong đó, collagen, elastin và axít hyaluronic là các thành phần chính tạo nên hình dạng, sự săn chắc và tính đàn hồi của làn da:

  • Sợi collagen: Collagen chiếm 70% trọng lượng khô của trung bì da. Đây là một loại protein cấu trúc chính cho toàn bộ cơ thể, collagen còn được tìm thấy trong gân, dây chằng, niêm mạc, xương. Collagen có tác dụng giúp chống áp lực chính của da. Collagen bị phân hủy bởi các enzym phân giải protein được gọi chung là collagenase và thay thế bằng các sợi collagen mới. Sự sản sinh sợi collagen giảm dần theo tuổi tác, tác động bởi ánh nắng mặt trời, khói bụi, chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt,… khiến làn da trở nên nhăn nheo, chảy xệ.
  • Sợi đàn hồi elastin: So với sợi collagen thì sợi elastin có kích thước nhỏ và ngắn hơn, nó có tác dụng giúp da trở lại trạng thái ban đầu sau khi bị kéo căng. Khi chức năng sợi đàn hồi bị suy giảm do tuổi tác hoặc do tác động của môi trường, làn da sẽ bị chảy xệ và hình thành nếp nhăn
  • Cơ chất: Là môi chất dạng gel lắp kín khoảng trống giữa các tế bào sợi. Thành phần chính của cơ chất là axít hyaluronic, có tác dụng gắn chặt các sợi collagen, sợi đàn hồi với mô liên kết và là môi chất giữ nước, duy trì thể tích cho da

Có nhiều vấn đề bắt nguồn từ trung bì mà chúng ta có thể dễ dàng nhận biết qua bề mặt da như: da dầu, mụn, lỗ chân lông to, nếp nhăn, vết sẹo, các vết rạn da, … Trong đó, có một số vấn đề có thể được cải thiện bằng cách bôi ngoài da, nhưng cũng có một số vấn đề không thể xử lý được bằng mỹ phẩm (mỹ phẩm rất khó thâm nhập tới trung bì) mà cần phải được can thiệp bằng thẩm mỹ.

 

ĐỘ PH DA, DA THỪA DẦU, DA THIẾU DẦU VÀ CÂN BẰNG DA:

Trong phần này, trước hết chúng ta sẽ tìm hiểu về độ pH của da, da thừa dầu, thiếu dầu và cân bằng da:

  • Độ pH da:

Trên bề mặt da có một lớp màng mỏng được tạo bởi bã nhờn, gọi là “màng axít”. Nó có độ pH thấp và nó tạo nên pH của bề mặt da. Đây được gọi là độ pH da.

Da của chúng ta có độ pH từ 4,5 đến 6,2. Người có làn da càng dầu thì độ pH càng thấp, và người da ít dầu thì có độ pH cao hơn.

Dù có mang lại chút phiền toái, nhưng màng axít rất có ích cho da và cơ thể. Nó tạo một lớp màng dầu mỏng bao bọc bên ngoài da, giúp làn da luôn giữ được sự tươi trẻ, và nhất là tránh được những tác động có hại từ bên ngoài. Đó là lý do tại sao người da dầu khi về già sẽ ít nếp nhăn hơn người da thiếu dầu.

Làn da thừa dầu (tuyến bã nhờn hoạt động mạnh) hay thiếu dầu (tuyến bã nhờn hoạt động yếu) thường là do yếu tố di truyền. Một số mỹ phẩm cũng có tác dụng điều tiết bã nhờn.

Tùy lượng dầu trên da nhiều hay ít mà có gây ra phiền toái hay không, chúng ta cũng nên duy trì một lớp màng axít vừa đủ trên da để bảo vệ da và cơ thể.

 

  • Da thừa dầu:

Một làn da thừa dầu sẽ được bảo vệ tốt hơn và ít bị nếp nhăn khi về già. Tuy nhiên, nó cũng đem lại không ít những rắc rối như: dễ nổi mụn, lỗ chân lông to, vết thâm, sẹo sau khi bị mụn, làn da không tươi tắn và bị bóng nhờn, …

Làn da thừa dầu rất dễ bị nổi mụn

Ngoài yếu tố di truyền, có một số lý do khác khiến tuyến bã nhờn hoạt động mạnh:

    • Thời tiết nóng ẩm.
    • Da kích ứng.
    • Da mất nước: trong một số trường hợp khi da bị mất nước, tuyến bã nhờn sẽ được kích thích để tăng tiết dầu lên bề mặt da, giúp ngăn cản sự bốc hơi nước và khiến cơ thể không bị khô. Khi gặp trường hợp da mất nước nhưng thừa dầu chúng ta nên áp dụng biện pháp chăm sóc cho da mất nước.
    • Các biện pháp nhằm làm trôi lớp dầu: người da dầu thường có xu hướng dùng sản phẩm tẩy rửa mạnh hoặc lạm dụng giấy thấm dầu để loại bỏ dầu. Tuy nhiên, việc này sẽ kích thích tuyến bã nhờn tiết dầu nhiều hơn.
    • Lỗ chân lông bị tắc: lỗ chân lông tắc sẽ khiến tuyến bã nhờn tăng cường sản sinh dầu để đẩy cái nút tắc ra. Việc này đôi khi cũng gây ra cho da nhiều mụn.
    • Thay đổi nội tiết: ở tuổi dậy thì, mang thai hoặc khi gặp các vấn đề về sức khỏe, tâm lý, … gây thay đổi nội tiết tố tạm thời, làm cho lượng dầu được tiết ra nhiều hơn.
  • Các sản phẩm cho da dầu hoạt động như thế nào?

Xử lý da thừa dầu có thể là một trong những vần đề chăm sóc da gây ra nhiều tranh cãi nhất. Nó chia theo hai hướng:

    • Hướng đầu tiên là làm mất những biểu hiện của da dầu và từ chối dầu: Dùng giấy thấm dầu, dùng các sản phẩm không chứa dầu, dùng các loại bùn khoáng hút dầu. Hay cực đoan hơn nữa là dùng các sản phẩm tẩy rửa mạnh để rửa trôi hết lượng dầu trên da. Việc này như nói ở trên, sẽ kích thích da tiết dầu nhiều hơn.
    • Hướng thứ hai là “dĩ độc trị độc” (dùng dầu để kiềm dầu): Những nhà khoa học ủng hộ xu hướng này và tin rằng một lớp dầu dưỡng có thành phần tương tự như lớp dầu trên da sẽ khiến tuyến bã nhờn hiểu rằng nó đã tiết dầu rồi và hạn chế tiết dầu thêm nữa. Dùng dầu để rửa mặt cũng là một phương pháp làm sạch tốt hơn dùng nước để rửa mặt, vì nó có thể hòa được với phần dầu thừa và bụi bẩn trên da.

Thực ra, bạn không cần phải chọn theo hướng nào cả, vì cả hai đều có lý và không hẳn là trái ngược nhau. Cũng giống như điều trị bệnh tật, một số bệnh cần phải kết hợp cả đông y và tây y mới có hiệu quả nhanh và bền vững.

  • Tác dụng của mỹ phẩm với da dầu:
    • Hút dầu: lớp dầu có thể khiến da dễ bám bụi bẩn từ môi trường, làm da trở nên tối màu và dễ bị mụn. Hút dầu là biện pháp xử lý da bị bóng nhờn và tối màu một cách nhanh chống. Nó cần thiết trong nhiều trường hợp, ví dụ trước khi bạn ra đường (để tránh bám nhiều bụi bẩn trên đường), và khi bạn phải tiếp xúc với người khác. Hút dầu trước khi rửa mặt sẽ giúp sữa rửa mặt dễ làm sạch bụi bẩn ở lỗ chân lông hơn. Tuy vậy, bạn không nên lạm dụng hút dầu vì da của bạn sẽ phải tiếp tục sản sinh dầu với năng suất cao hơn bình thường để bù lại phần dầu bị mất. Hút dầu thường xuyên cũng có thể khiến da trở nên mất cân bằng, dễ kích ứng và có thể lên mụn.
    • Dưỡng ẩm: da mất nước có thế khiến tuyến bã nhờn hoạt động mạnh hơn. Vì thế, dưỡng ẩm là một bước cần thiết khi chăm sóc da nhờn.
    • Cân bằng hoạt động của tuyến bã nhờn: một số tài liệu cho rằng retinol và các dạng khác của vitamin A cùng với một số loại tinh dầu có khả năng khiến tuyến bã nhờn hoạt động bình thường, không quá mạnh, không quá yếu. Việc này tốt cho cả da thừa dầu và thiếu dầu.
    • Giảm sự kiểm soát của androgen đến tuyến bã nhờn: những thành phần có khả năng này được gọi là các chất “anti-androgen”.
    • Đánh lừa tuyến bã nhờn: dầu jojoba và bã nhờn rất giống nhau về thành phần cấu tạo, vì thế khi bôi dầu jojoba lên da, tuyến bã nhờn sẽ giảm tiết dầu mới.

  • Sản phẩm xử lý da dầu có hiệu quả trong bao lâu?

Các sản phẩm xử lý da dầu có thể có kết quả ngay lập tức: khi bạn dùng giấy thấm dầu, đắp mặt nạ bùn, hoặc khi bạn dùng một phương pháp chăm sóc da đúng cách thì lượng dầu trên da sẽ giảm ngay lập tức.

Đối với đa số trường hợp da nhờn, mỹ phẩm sẽ không xử lý được triệt để. Vì như bạn đã biết, da thừa dầu hay thiếu dầu là do di truyền (gene). Mỹ phẩm không thể can thiệp vào gene.

Chọn đúng sản phẩm và kiên trì chăm sóc da sẽ là cách để bạn có thể có một làn da với lượng dầu vừa đủ.

Các sản phẩm cho da dầu thường được ghi là “Oil Control” (kiểm soát dầu), “Mattifying” hoặc “Anti- Shine” (chống bóng nhờn), và “Purifying” (“thanh lọc” – là một khái niệm rút gọn cho sản phẩm làm sạch cho da nhờn).

  • Một số nguyên liệu thiên nhiên giúp kiểm soát lượng dầu, sạch mụn, trắng da và chống lão hóa:
    • Bột ngô, bột sắn: có khả năng hút dầu rất tốt
    • Nước trà, bã trà, dầu olive, dầu mè (dầu vừng), hạt bí ngô, rau bạc hà: có thể hạn chế tiết dầu. (lưu ý: rau bạc hà có thể gây kích ứng với một số người).
    • Lòng trắng trứng: có chứa vitamin B3, giúp dưỡng ẩm và kiềm dầu nhẹ.
    • Các nguyên liệu duỡng ẩm như: sữa chua, sữa bò, sữa dê, đường, mặt ong.

 

  • Cách thực hiện như sau:
Nguyên liệu Cách sử dụng
Rửa mặt Mật ong + sữa chua Dùng vào buổi sáng và tối
Toner Nước trà xanh Sau bước rửa mặt
Dưỡng da Vài giọt dầu olive hoặc dầu vừng

Hoặc sữa tươi

Sáng và tối, sau khi rửa mặt sạch
Tẩy da chết Bã trà hoặc quả dứa xay nhuyễn hòa với sữa chua, massga nhẹ lên mặt Tuần 2~3 lần vào buổi tối
Mặt nạ Bột ngô hoặc bột sắn pha với nước thành hỗn hợp sệt. Thoa lên mặt, giữ yên trong 10 phút giúp hút dầu

Lòng trắng trứng kết hợp với sữa chua

Dùng vào buổi tối. Rửa mặt sạch lại với nước ấm
  • Lưu ý:

Các phương pháp massage mặt, tẩy da chết bằng các loạt hạt đều có thể kích thích tuyến bã nhờn hoạt động mạnh hơn.

Caffeine trong cà phê và các loại chất kích thích khác cũng khiến da tiết ra nhiều dầu hơn. Vì vậy, những người da dầu nên hạn chế cà phê.

Thuốc tránh thai hằng ngày hoặc thuốc Đông y đều có thể điều hòa nội tiết tố, hạn chế tiết dầu rất hiệu quả. Những người có lượng tiết dầu nhiều nên kết hợp cả Tây y và Đông y để đạt được hiệu quả điều trị cao hơn.

 

  • Da thiếu dầu (da khô):

Lợi thế của một làn da thiếu dầu là ít bị bắt bụi, da sáng hơn, lỗ chân lông nhỏ hơn làn da nhiều dầu. Khuyết điểm của nó là da dễ bị mất nước, trở nên khô, nhiều nếp nhăn và nhanh lão hóa.

Da thiếu dầu phần lớn là do yếu tố di truyền và tình trạng sức khỏe.

Da thiếu dầu thường dễ xử lý hơn thừa dầu: cách xử lý da thiếu dầu cũng tương tự như với da mất nước. Chỉ cần dưỡng ẩm và bổ sung một lượng dầu “nhân tạo” một cách thường xuyên, liên tục là có thể cãi thiện da thiếu dầu. (xem thêm mục “Da mất nước”)

Một cách khác giúp cãi thiện da thiếu dầu là bạn có thể sử dụng những nguyên liệu giúp điều chỉnh hoạt động của tuyến bã nhờn. Danh sách của những thành phần này xem ở mục “Cân bằng da hỗn hợp”

  • Cân bằng da hỗn hợp:

Da mặt được chia làm 2 vùng: vùng chữ T (trán – mũi – nhân trung) và vùng chữ U (hai má – cằm). Da hỗn hợp có nghĩa là một vùng da có lượng dầu tương đối bình thường, còn một vùng da thì nhờn quá hoặc khô quá.

Cấu tạo của da người là vùng chữ T có nhiều tuyến bã nhờn hơn vùng chữ U. Vì vậy, có thể nói rằng tất cả mọi người (đặc biệt là ở Việt Nam) đều có da hỗn hợp.

Da hỗn hợp được chia làm 3 loại:

    • Hỗn hợp thiên dầu: là khi bạn có vùng chữ U tương đối ổn định và vùng chữ T nhờn quá. Hoặc vùng chữ U của bạn ít nhờn và vùng chữ T quá nhiều nhờn. Da hỗn hợp thiên dầu sẽ được xếp vào loại da dầu.
    • Hỗn hợp thiên khô: là khi bạn có vùng chữ T bình thường và vùng chữ U thiếu dầu. Hoặc vùng chữ T khô và vùng chữ U quá khô. Loại này sẽ được xếp cùng nhóm với da khô.
    • Trường hợp da vừa có biểu hiện thừa dầu vừa thiếu dầu: là khi vùng chữ T có biểu hiện của da dầu (tiết dầu mạnh) còn vùng chữ U thì lại rất khô và bong tróc.

Hoạt động của tuyến bã nhờn cũng có thể thay đồi theo mùa, theo sức khỏe, vì thế, nhiều người sẽ có làn da thay đổi từ loại hỗn hợp này sang loại hỗn hợp khác.

  • Cách chăm sóc da hỗn hợp như sau:
    • Dưỡng ẩm: dưỡng ẩm cho những vùng da khô, mất nước, vùng da nhờn sẽ giảm tiết dầu.
    • Điều chỉnh hoạt động của tuyến bã nhờn: những thành phân trong mục bên dưới sẽ giúp giảm tiết dầu trên da nhờn, đồng thời tăng sản xuất dầu trên da khô. Chúng giống như điều hòa nhiệt độ 2 chiều, làm mát khi trời nóng và sưởi ấm khi trời lạnh.
    • Tạo một lớp màng dầu nhân tạo: một số loại dầu có khả năng bổ sung lượng dầu mà làn da khô đang thiếu nhưng lại kiềm chế ảnh hưởng của androgen lên tuyến bã nhờn giúp da bớt tiết dầu thêm.

Một cơ chế nữa để cân bằng da của mỹ phẩm là cân bằng độ pH. Da nhờn nhất có độ pH là 4,5, và da khô nhất có pH 6,2. Một sản phẩm cân bằng da sẽ có độ pH của làn da lý tưởng là khoảng 5,5. Sản phẩm với độ pH lý tưởng đấy sẽ ngay lập tức củng cố lớp màng axít của da, giúp làm dịu da. Mục đích của các sản phẩm cân bằng da là cố gắng đưa pH của da về trạng thái cân bằng (pH 5,5). Vì thế, các sản phẩm cân bằng pH cho da sẽ có độ pH chính xác là 5,5 hoặc rất gần với 5,5 chứ không phải trải dài từ 4,5 đến 6,2.

Bạn sẽ không thể xác được độ pH của một sản phẩm mà chỉ nhìn vào thành phần. Cách duy nhất để xác định pH của một sản phẩm là sử dụng thiết bị đo pH, hoặc tìm các sản phẩm mà nhà sản xuất khẳng định được độ pH.

Ngoài ra, do da của bạn thay đổi theo mùa, theo tình trạng sức khỏe và tâm lý, vì thế nếu bạn thấy một sản phẩm dùng rất tốt vào mùa hè nhưng đến mùa đông lại “giở chứng”, thì đó không phải là điều khó hiểu. Bạn có thể sử dụng những sản phẩm khác nhau cho các mùa khác nhau. Ví dụ, vào mùa đông, da của bạn là hỗn hợp thiên khô, bạn có thể dùng một sản phẩm cho da khô. Vào mùa hè, da của bạn trở thành hỗn hợp thiên dầu, bạn sẽ chuyển sang sử dụng sản phẩm cho da dầu.

CÒN TIẾP …..

 

BÀI VIẾT TƯƠNG TỰ

CHĂM SÓC DA CHUYÊN SÂU ( PHẦN 11 ) – TẦNG TRUNG BÌ: CHỐNG LÃO HÓA DA

1. Lão hóa da là gì? Lão hóa da là hiện tượng cấu trúc nền của da bị suy yếu, dẫn đến tình trạng các protein dạng sợi (collagen, elastin) bị thất thoát, hao hụt. Quá trình lão hóa sẽ khiến làn da mất đi cơ chế tự bảo vệ trước các tác nhân có […]
XEM THÊM

CHĂM SÓC DA CHUYÊN SÂU ( PHẦN 10 ) – TẦNG TRUNG BÌ: LÀM MỜ NẾP NHĂN

Một làn da lão hóa sẽ có tầng trung bì mỏng, các lớp tế bào sống ở tầng biểu bì cũng mỏng, trong khi lớp sừng (lớp tế bào chết) lại rất dày và thô. Tuyến bã nhờn hoạt động kém, khả năng lưu trữ nước trong da cũng kém, làn da trở nên mỏng, […]
XEM THÊM

CHĂM SÓC DA CHUYÊN SÂU ( PHẦN 9 ) – TẦNG TRUNG BÌ: LỖ CHÂN LÔNG TO

 1. Lý thuyết: Lỗ chân lông to, về bản chất chính là do nang lông nở rộng. Nang lông nở phần lớn là hậu quả của da dầu và mụn. Ở tuổi dậy thì, tuyến bã nhờn được kích hoạt, dầu tiết ra nhiều ở nang lông và bắt đầu làm to nang lông. Dầu […]
XEM THÊM

CHĂM SÓC DA CHUYÊN SÂU (PHẦN 8) – TRỊ MỤN

Mụn là những nốt nhỏ trên da, thường gặp ở tuổi dậy thì. Đa số mụn trên mặt tự phát và tự khỏi. Tuy nhiên, có một số trường hợp nốt mụn bị viêm và trở nên trầm trọng. Nó có thể gây ra những vấn đề lâu dài như làm nở to lỗ chân […]
XEM THÊM