0
T2, Th10 2112Chiều

CHĂM SÓC DA CHUYÊN SÂU (PHẦN 6) – TẨY DA CHẾT

Như đã biết, lớp trên cùng của tầng biểu bì là lớp da đã chết, còn được gọi là lớp vảy sừng. Vai trò của lớp vảy sừng này là tạo thành lớp màng bảo vệ lớp da bên dưới khỏi tác hại của môi trường, hạn chế thoát nước, thoát nhiệt.

Tẩy da chết là một bước quan trọng trong qui trình chăm sóc da, nhằm mục đích:

    • Giảm lượng tế bào chết trên bề mặt da, giúp làm thông thoáng lỗ chân lông, ngăn ngừa mụn.
    • Giúp da sáng và hồng hào hơn
    • Tăng cường hấp thụ dưỡng chất
    • Thúc đẩy quá trình tái tạo da, tái tạo collagen bên trong da

Do có tầm quan trọng trong việc bảo vệ da, nên khi tẩy da chết bạn không nên loại bỏ hoàn toàn phần da chết trên bề mặt da mà chỉ lấy đi phần sần sùi ngoài cùng sắp bị bong ra.

1. Tẩy da chết cơ học (vật lý):

Là phương pháp lấy đi một phần da chết trên bề mặt da bằng các tác động vật lý như: bàn chảy, găng tay tắm, bông tắm, xơ mướp, cát, các loại hạt, … kể cả các loại hạt, cát, … được nhà xuất cho vào trong mỹ phẩm.

Một số loại bột thực vật nghiền nhỏ thường dùng tẩy da chết như: bột quả óc chó, hạt olive, jojoba, cà phê, lõi ngô, …. Các loại bột này tuy mang lại cảm giác an toàn khi sử dung, nhưng cũng cần phải cẩn thận vì chúng có các góc cạnh khá sắc bén, có thể gây ra các vết xước nhỏ li ti, gây mất nước, kích ứng da hoặc nổi mụn.

Với những làn da mỏng, da nhạy cảm nên sử dụng hạt jojoba để tẩy da chết. Loại hạt này được xử lý rất nhẵn, không tạo ra các góc cạnh nên an toàn cho làn da nhạy cảm, da mỏng.

 

2. Tẩy da chết hóa học:

Đây là phương pháp sử dụng các chất hóa học có tính axít để loại bỏ lớp tế bào chết trên bề mặt da. Tiêu biểu như sau:

 

  • AHA (alpha hydroxyl acids):

Đây là các axít tan trong nước, được tổng hợp từ quả, hạt, đường, … còn được gọi là “axít hoa quả”. Cơ chế hoạt động của các AHA là làm suy yếu các cầu nối giữa các axít béo có vai trò liên kết các tế bào chết với nhau, từ đó làm cho lớp da ngoài cùng bị phân hủy. Các loại AHA phổ biến nhất là axít glycolic, axít citric và axít lactic.

      • Axít glycolic: có nguồn gốc từ mía đường, có trọng lượng phân tử nhỏ nhất trong các loại AHA, vì vậy giúp dễ dàng hấp thụ và có thể thẩm thấu sâu vào da, giúp cải thiện nhiều loại vấn đề về da như: mụn trứng cá, tăng sắc tố sau viêm do mụn, sẹo mụn nông, tàn nhang, lão hóa da, kích thích sản collagen làm giảm nếp nhăn trên da.
      • Axít citric: có nguồn gốc từ các loại quả có múi như: cam, quýt, chanh, bưởi. Ngoài tác dụng tẩy da chết nó còn giúp chống lão hóa, cải thiện độ dày lớp biểu bì da.
      • Axít lactic: có nguồn gốc từ sữa, đường, có tác dụng loại bỏ da chết, kháng khuẩn, dưỡng ẩm và ức chế sản sinh melanin.

 

  • BHA (beta hydroxy acids):

Nếu như AHA là axít ưa nước thì BHA là một axít ưa dầu (tan trong dầu), nên BHA được đánh giá cao trong việc tẩy da chết cho những làn da nhiều dầu và mụn.

Với khả năng tan trong dầu nên chúng có thể dễ dàng đi sâu vào trong lỗ chân lông, làm tan những tế bào chết đang vón cục với dầu thừa trong nang lông, ngăn ngừa mụn.

Loại BHA phổ biến nhất trong việc tẩy da chết là axít salicylic, có nguồn gốc từ vỏ cây liễu. Axít salicylic cũng đã được chứng minh là có đặc tính chống viêm và kháng khuẩn. Một sản phẩm với 2% axít salicylic sẽ có hiệu quả trị mụn cao hơn sản phẩm có 8% axít glycolic.

Tuy nhiên, BHA dễ gây kích ứng cho những làn da nhạy cảm và những người dị ứng với thuốc aspirin, nên phải rất cẩn thận khi sử dụng.

 

  • LHA (beta lipohydroxy acids):

LHA là một axít được phát triển từ BHA. LHA tan trong dầu nên cũng có tác dụng làm sạch nang lông như BHA. Ưu điểm của LHA so với BHA là có khả năng chống viêm và kháng khuẩn mạnh nên khiến da nhanh sạch mụn viêm. Nhược điểm của nó là làm cho da dễ bắt nắng.

 

  • PHA (poly hydroxy acids):

Trong khi AHA là nhóm axít có khả năng gây kích ứng tương đối cao, BHA và LHA có khả năng làm dịu và kháng viêm nhưng vẫn gây kích ứng ở một số loại da nhạy cảm thì PHA là nhóm tẩy tế bào chết dễ chịu nhất.

Tương tự như AHA, PHA là các axít tan trong nước, cơ chế tẩy tế bào chết của chúng là phá vỡ liên kết nước giữa các tế bào, làm da bong ra. Các axít PHL có kích thước lơn hơn AHA nên chúng không thể đi sâu vào bên trong da, vì thế ít gây kích ứng cho những người có làn da mỏng hoặc nhạy cảm.

Ngoài ra, các axít PHA còn có khả năng chống viêm và chống oxy hóa.

 

  • Các enzyme (men):

Là chất xúc tác sinh học giúp các phản ứng hóa học xảy ra nhanh chóng trong cơ thể. Nếu thiếu các enzym, các phản ứng hóa học trong cơ thể vẫn có thể diễn ra nhưng rất chậm chạp cho sự sống.

Trong mỹ phẩm và các sản phẩm tẩy tế bào chết, nhà sản xuất sẽ sử dụng các loại men từ đu đủ, dứa, lựu, việt quất, … giúp phân hủy các liên kết giữa các tế bào chết, làm chúng bong ra ngoài.

Ưu điểm của tẩy tế bào chết bằng men vi sinh so với tẩy da bằng cơ học và hóa chất là chúng tẩy da ở mức độ vừa đủ và không gây kích ứng da. Nhược điểm của men vi sinh là rất nhanh hỏng bởi những thay đổi của môi trường (nhiệt độ, độ pH, …)

  • Acid retinoic (tretinon):

Là một axít được chuyển hóa từ vitamin A và được xem là một thần dược của làn da. Nó không những giúp tẩy da chết mà còn thúc đẩy tái tạo tế bào da mới, làm mờ nếp nhăn, tàn nhang, giảm nhờn da và mụn trứng cá.

Tuy vậy, hoạt tính của axít retinoic rất mạnh và có thể gây ra nhiều phản ứng phụ (nóng da, ngứa, đỏ, rát, sưng, bong tróc, mụn)

Một số dẫn xuất của vitamin A như: retinol, retinyl palmitate, … cũng được sử dụng để tẩy tế bào chết và làm đẹp da vì ít gây tác dụng phụ nhưng hiệu quả không bằng axít retinoic.

Thành phần tẩy da chết
Nhóm Tên quốc tế Tên tiếng Việt
Cơ học/vật lý

(hạt tẩy tế bào da chết)

Hydrogenated simmondsia chinensis (jojoba) wax Hạt jojoba
Juglans regia (walnut) shell powder Bột quả óc chó
Olea europaea (olive) seed powder Bột hạt olive
Prunnus armeniaca (apricot) seed powder Bột hạt mơ
Zea mays (corn) cob powder Bột lõi ngô
Sucrose Đường
Sodium chloride Muối
Pumice Bột từ đá bọt
Luffa cylindria fruit powder Bột xơ mướp
Bambusa vulgaris (bamboo) powder Bột thân cây tre
AHA Citric acid Axít citric
Lactic acid Axít lactic
Malic acid Axít malic
Mandelic acid Axít mandelic
Tartaric acid Axít tartaric
BHA Salicylic acid Axít salicylic
Beta hydroxybutanoic acid
Tropic acid
Trethocanic acid
LHA Capryloyl salicylic acid
PHA Lactobionic acid
Galactose
Gluconic acid/glyconolactone
Enzym Papain Enzym từ quả đu đủ
Bromelain Enzyme từ quảdứa
Vitamin A và các chất chuyển hóa thành axít retinoic Retinol
Retinyl palmitate
Retinyl acetate
Retinaldehyde (retinal aldehyde/retinyl aldehyde)

 

3. Nhận biết các sản phẩm tẩy da chết trên thi trường:

Sản phẩm tẩy da chết trên nhãn sẽ có ghi các dòng chữ như: scrub (chà xát), peel (lột), exfoliate (làm bong da chết).

 

4. Cách chọn thành phần tẩy da chết phù hợp với loại da:

Tẩy da chết là bước chăm sóc da rất cần thiết để có được một làn da khỏe mạnh, tươi tắn. Tuy nhiên, cần phải chú ý chọn sản phẩm phù hợp với từng loại da để tránh bị kích ứng da:

  • Với làn da khỏe, ít vấn đề: nên dùng nhiều loại tẩy tế bào chết khác nhau, nhất là tẩy tế bào chết cơ học. Khi massage các hạt thực vật lên da sẽ giúp làn da được thư giãn, tăng cường lưu thông máu, các tế bào da được nuôi dưỡng tốt hơn, khỏe mạnh hơn.
  • Da mất nước, thiếu dầu: các loại tẩy tế bào chết chứa AHA sẽ phù hợp với bạn. AHA sẽ không tác động đến lỗ chân lông và lấy đi lượng dầu. Ngoài ra, AHA cũng giúp tăng cường khả năng hấp thụ nước của da, cho da mềm mại, giảm nếp nhăn.
  • Da nhờn, có nhiều mụn: các sản phẩm chứa BHA, LHA sẽ là lựa chọn phù hợp. Vì là loại ưa dầu nên BHA và LHA không chỉ làm bong lớp da chết mà nó còn có khả năng đi qua lớp màng dầu của da, tác động sâu vào bên trong lỗ chân lông và lấy đi phần da chết bị vón lại (mụn) ở đây. Một gợi ý khác, là bạn cũng có thể kết hợp BHA với AHA hoặc LHA với AHA để cho kết quả tốt hơn.
  • Với làn da nhạy cảm: PHA hoặc enzyme sẽ là giải pháp tối ưu nhất. Những thành phần này sẽ nhẹ nhàng lấy đi phần da chết mà không làm da bị kích ứng thêm.

 

5. Lưu ý khi tẩy da chết:

  • Tẩy da chết có thể là con dao hai lưỡi, nếu tẩy quá nhiều (hoặc quá liều) sẽ khiến da trở nên yếu và dễ bị mẫn cảm.

  • Tránh xa vùng mắt. Hầu hết các thành phần tẩy chết đều có thể gây kích ứng cho mắt.
  • Đọc kỹ hướng dẫn khi sử dụng để sử dụng đúng cách và đúng thời gian. Thông thường, các thành phần tẩy da chết cần có một thời gian nhất định lưu lại trên da để phát huy tác dụng, nếu rửa trôi quá sớm sẽ không hiệu quả, hoặc để lâu trên da sẽ gây kích ứng da.
  • Phải thường xuyên chống nắng. Tránh ra đường sau khi tẩy da chết. Nên tẩy da chết vào buổi tối và bôi thêm kem dưỡng sau khi tẩy.

 

6. Lột da mạnh:

  • Lột da mạnh không chỉ đơn thuần là lấy đi lớp tế bào chết bên trên biểu bì mà nó lột rất sâu vào những lớp da sống bên dưới lớp sừng. Lột da mạnh thường được áp dụng trong xử lý sẹo, nếp nhăn, các vấn đề sắc tố da (nám, tàn nhang, …).
  • Tuy vậy, bạn không nên lạm dụng việc lột da mạnh để làm đẹp. Vì, da sau khi lột mạnh sẽ rất mỏng manh, dễ bị sưng tấy, đỏ, rát, khả năng bảo vệ cơ thể rất yếu.
CÒN TIẾP …..

BÀI VIẾT TƯƠNG TỰ

CHĂM SÓC DA CHUYÊN SÂU ( PHẦN 14 ) – SẸO, SẸO MỤN

1. Sẹo Đặc điểm: Sẹo là phần da được phục hồi sau khi bị tổn thương. Mức độ tổn thương và cách chăm sóc vết thương sẽ ảnh hưởng rầt lớn đến hình thù của sẹo. Quá trình hình thành một vết sẹo trải qua nhiều giai đoạn phức tạp và kéo dài. Đầu tiên, […]
XEM THÊM

MỸ PHẨM CHYAKI NHẬT BẢN ĐỒNG HÀNH CÙNG HIỆP HỘI NGÀNH TÓC & LÀM ĐẸP TP HCM TRONG CHƯƠNG TRÌNH TRI ÂN THẦY CÔ GIÁO NHÂN NGÀY 20-11

Góc ảnh đẹp! Vừa qua, Mỹ phẩm CHYAKI Nhật Bản hân hành được tài trợ và đồng hành cùng chương trình “TỎA SÁNG GIỮA ĐỜI THƯỜNG” nhằm tri ân Quí Thầy Cô Giáo nhân ngày NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20-11 do Hiệp hội ngành tóc và Làm đẹp Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức […]
XEM THÊM

CHĂM SÓC DA CHUYÊN SÂU – TẦNG TRUNG BÌ ( PHẦN 13 ) – CHỐNG NẮNG

1. Vì sao phải chống nắng? Bạn muốn da của bạn ít melanin để có thể trắng sáng, trở nên sang trọng và quyến rũ. Chống nắng giúp bạn không bị đen đi và không bị ung thư da do tia UV. Bạn có làn da nhạy cảm và dễ bị kích ứng. Ánh nắng […]
XEM THÊM

CHĂM SÓC DA CHUYÊN SÂU – TẦNG TRUNG BÌ ( PHẦN 12 ) – NÁM

1.  Nám da là gì? Đặc điểm của nám? Nám da là gì? Nám da là hiện tượng trên khuôn mặt xuất hiện những đốm sậm màu, có màu vàng, nâu vàng, nâu sáng hoặc nâu đen. Đặc điểm: Nám thường mọc tập trung thành từng mảng, phân bố chủ yếu ở hai bên gò […]
XEM THÊM